Tài Liệu Về An Toàn Cho Trẻ Em

Nói chuyện với trẻ em và thanh thiếu niên về chia sẻ hình ảnh và video khiêu dâm

Hãy thường xuyên trò chuyện về những nguy cơ khi chia sẻ hình ảnh và video khiêu dâm.

Việc thường xuyên nói chuyện với trẻ về những nguy cơ tiềm ẩn khi chia sẻ hình ảnh và video khỏa thân hay khiêu dâm (hay còn gọi là nhắn tin khiêu dâm) sẽ giúp ngăn chặn nhiều vấn đề, chẳng hạn như việc hình ảnh bị phát tán trái phép. Tốt nhất là bạn nên xử lý vấn đề này một cách bình tĩnh và thường xuyên nhắc lại về chủ đề này. 

Nếu con bạn, là trẻ em hoặc thanh thiếu niên, nói với bạn rằng trẻ đã nhận hoặc gửi hình ảnh hoặc video khỏa thân hay khiêu dâm, hãy phản ứng một cách bình tĩnh và tập trung tìm hiểu xem trẻ cần trợ giúp hay giúp đỡ ra sao từ bạn. Hãy khen ngợi trẻ vì đã dũng cảm tìm đến bạn, đồng thời trấn an trẻ rằng mọi chuyện sẽ ổn. Sau đó, hãy phối hợp cùng trẻ để giảm thiểu mọi nguy hại tiềm ẩn.

Lưu ý: Thiết bị của trẻ sẽ làm mờ hình ảnh hoặc video có thể chứa nội dung khỏa thân trong một số ứng dụng của Apple. Hãy thảo luận về tính năng này với trẻ và những điều trẻ cần làm khi thấy hình ảnh hoặc video bị làm mờ.

    • Hãy giải thích rằng trẻ không được chia sẻ hình ảnh và video để lộ các bộ phận riêng tư trên cơ thể (những vùng được che bằng đồ lót hoặc áo tắm).
    • Hãy khuyến khích trẻ tìm đến bạn nếu trẻ nhận được hình ảnh hoặc video bất kỳ bị làm mờ hoặc khiến trẻ cảm thấy không thoải mái.
    • Nếu trẻ đưa cho bạn một hình ảnh hoặc video không phù hợp, hoặc bạn nhìn thấy nội dung này trên thiết bị của trẻ, hãy phản ứng một cách bình tĩnh và thảo luận với trẻ về lý do bạn cảm thấy hình ảnh hoặc video đó có thể không phù hợp. Hãy cảm ơn trẻ vì đã nói cho bạn biết hoặc vì đã thảo luận vấn đề này một cách trung thực với bạn. Sau đó hãy cùng nhau xóa hình ảnh hoặc video đó.
    • Tuy rằng trẻ tò mò về cơ thể là điều bình thường, nhưng hãy cân nhắc tham khảo ý kiến của chuyên gia tâm lý nếu trẻ tỏ ra quan tâm thường xuyên hoặc quá mức đến các nội dung khỏa thân và khiêu dâm.
    • Trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên cần biết về tình huống kẻ xấu giả mạo là trẻ vị thành niên đề nghị trao đổi hình ảnh hoặc video khỏa thân hay khiêu dâm. Sau đó, kẻ xấu sẽ dùng chính những hình ảnh hoặc video này để thực hiện hành vi tống tiền/tống tình trẻ bằng cách tiết lộ bằng chứng về hoạt động tình dục của trẻ (tiếng Anh là sextortion), trong đó tội phạm đe dọa đăng hoặc phát tán những nội dung này nếu không được nhận tiền hoặc quan hệ tình dục.
    • Nếu bạn nhận thấy trẻ ở lứa tuổi thanh thiếu niên đang nhận hoặc gửi hình ảnh hay video khỏa thân, hãy bình tĩnh và cố gắng xác định tình huống. Nếu hình ảnh hoặc video đó là do không tự nguyện, điều đó có thể khiến thanh thiếu niên liên quan cảm thấy khó chịu và cũng có thể là kết quả từ việc trẻ bị bắt nạt hoặc quấy rối.
    • Có nhiều trường hợp chia sẻ hình ảnh hoặc video khỏa thân do áp lực. Cũng có trường hợp người nhận đã chia sẻ hoặc phát tán ảnh hoặc video mà không có sự đồng ý của người gửi ban đầu. Nếu xảy ra hành vi chia sẻ không có sự đồng thuận hoặc có sự tham gia của người lớn, hãy cân nhắc liên hệ với cơ quan thực thi pháp luật.
    • Hãy nhẹ nhàng nói chuyện với trẻ về những nguy cơ khi gửi hoặc nhận hình ảnh hay video khỏa thân, chẳng hạn như một ngày nào đó người nhận cố tình hoặc vô tình chia sẻ nội dung đó, từ đó có thể khiến trẻ bị xấu hổ, bị bắt nạt hoặc nhiều tác hại khác.
    • Bạn cần trấn an trẻ rằng nếu những hình ảnh hoặc video đó bị phát tán, dù có xấu hổ đến mức nào thì đó cũng không phải là tận thế. Sẽ luôn có nhiều người, kể cả bạn, có thể giúp đỡ trẻ, và mọi chuyện sẽ ổn thôi.

Tìm hiểu thêm

Bí quyết để giúp trẻ em an toàn khi lên mạng

Giúp hoạt động trên mạng của trẻ nhỏ và thanh thiếu niên an toàn và tích cực.

Để giữ an toàn trên mạng:

  • Bạn hiểu con mình hơn ai hết. Những gì phù hợp với một số trẻ lại không phù hợp với một số trẻ khác, tùy thuộc vào lứa tuổi, độ trưởng thành và nhiều yếu tố khác.
  • Hãy thể hiện sự quan tâm đến những ứng dụng trẻ dùng cũng như các trang trẻ thường truy cập. Hãy tìm hiểu về các ứng dụng và trò chơi trẻ yêu thích để hiểu thêm về nền tảng, thiết lập quyền riêng tư của ứng dụng và lý do trẻ thích ứng dụng đó.
  • Giao tiếp chính là chìa khóa. Hãy trò chuyện, đừng la mắng, đồng thời hãy trấn an rằng trẻ có thể tìm đến bạn nếu gặp bất kỳ vấn đề nào. Hãy cho trẻ biết rằng bạn sẽ không phản ứng thái quá và bạn muốn bảo vệ hơn là trừng phạt trẻ.
  • Hãy nói chuyện với trẻ về quyền riêng tư và bảo mật cũng như tầm quan trọng của việc dùng mật khẩu mạnh và đặc biệt, cùng các công cụ xác thực khác như dấu vân tay hay nhận diện khuôn mặt.
  • Hãy đảm bảo trẻ hiểu về các nguy cơ, chẳng hạn như phát tán hình ảnh hoặc video khỏa thân hay thân mật, bắt nạt, thông tin sai lệch và tổn hại đến thanh danh của trẻ. Bạn có thể trò chuyện ngắn gọn, nhưng nên nhắc lại định kỳ. Hãy trấn an trẻ rằng nếu có chuyện xấu xảy ra, bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ.
  • Hãy cân nhắc dùng các công cụ như Thời Gian Sử Dụng để quản lý việc sử dụng thiết bị của trẻ, nhưng hãy biến thiết bị thành trải nghiệm học tập và xem xét lại mọi công cụ kiểm soát trong quá trình trẻ trưởng thành. Hành động này sẽ giúp trẻ phát triển khả năng sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm ngay từ bây giờ và cả trong tương lai.

Gạ gẫm tình dục

Xác định hành vi gạ gẫm cũng như nói chuyện với trẻ nhỏ và thanh thiếu niên về vấn đề này.

Gạ gẫm là thủ đoạn mà kẻ xâm hại sử dụng để xây dựng mối quan hệ với trẻ nhằm thao túng, lợi dụng và làm tổn thương các em. Những kẻ lạm dụng có thể kết bạn với trẻ để dần xây dựng lòng tin với ý định lạm dụng trẻ.

Những kẻ gạ gẫm nhằm xâm hại trẻ em thường rất kiên nhẫn, kiên trì và rất giỏi thao túng. Đôi khi, những kẻ gạ gẫm nhằm xâm hại trẻ em trên mạng cũng biết trẻ ngoài đời.

Hãy bảo vệ trẻ bằng cách nói chuyện với trẻ về hành vi gạ gẫm trẻ em theo cách phù hợp với lứa tuổi. Hãy trấn an trẻ rằng nếu gặp phải kẻ gạ gẫm thì đó không phải lỗi của trẻ.

Giao tiếp cởi mở cực kỳ quan trọng. Bảo vệ trẻ em khỏi hành vi gạ gẫm là một quá trình liên tục giúp trẻ phát triển hệ thống cảnh báo của chính bản thân và cảm thấy thoải mái khi báo với bạn nếu có chuyện sai trái xảy ra.

  • Mặc dù những dấu hiệu này không nhất thiết liên quan đến hành vi gạ gẫm, nhưng cha mẹ có thể cần để tâm quan sát nếu trẻ:

    • Giấu giếm những gì trẻ đang làm trên mạng.
    • Nhanh chóng tắt, giấu hoặc đóng thiết bị khi có người bước vào phòng.
    • Sở hữu nhiều món quà, tiền bạc, chất kích thích, rượu bia hoặc những món đồ có giá trị bất thường khác.
    • Lên mạng vào tối muộn hoặc giờ giấc bất thường.
    • Trông buồn bã, trầm cảm, tức giận hoặc sợ hãi.

    Hãy trò chuyện với trẻ để kiểm tra xem trên mạng có ai:

    • Tặng quà cho trẻ.
    • Nói chuyện liên quan đến tình cảm, tình yêu hoặc tình dục.
    • Gửi hoặc đòi hỏi hình ảnh hoặc video khỏa thân hay khiêu dâm.
    • Lôi kéo trẻ vào những cuộc trò chuyện mang tính cá nhân cao một cách không thích hợp.
    • Yêu cầu trẻ giữ bí mật.
    • Cố gắng cô lập trẻ khỏi gia đình hay bạn bè.
    • Yêu cầu trẻ tiếp tục trò chuyện trên một nền tảng khác.
  • Cách tốt nhất để biết nếu trẻ đang bị gạ gẫm trên mạng cũng như để ngăn chặn mọi tổn thương tiềm ẩn là trò chuyện với trẻ, ở mọi lứa tuổi.

    • Hãy kiểm tra thường xuyên với con bạn, là trẻ nhỏ hoặc thanh thiếu niên, về trải nghiệm lên mạng của trẻ.
    • Hãy giải thích rằng có nhiều người lợi dụng Internet để gây hại đến trẻ nhỏ. Những người này có thể giả làm bạn bè và yêu cầu trẻ làm những việc không an toàn.
    • Hãy hứa rằng bạn sẽ không nổi giận nếu trẻ nói với bạn về sự việc tồi tệ hoặc nếu trẻ đã mắc lỗi. Những kẻ gạ gẫm lợi dụng nỗi sợ bị phạt để ngăn chặn trẻ nhỏ báo cáo hành vi lạm dụng.
    • Hãy cùng thảo luận và nhất trí về các quy tắc và giới hạn, bao gồm cả việc khi nào thì được và không được tương tác trên mạng với những người mà trẻ không biết. Cân nhắc dùng các công cụ như Thời Gian Sử Dụng để giúp giám sát quá trình trẻ sử dụng công nghệ.
    • Hãy đảm bảo trẻ biết cách báo cáo người khác, cũng như chặn hoặc tắt thông báo về tài khoản trong ứng dụng mà trẻ dùng.
    • Trò chuyện về các biện pháp cũng như thiết lập bảo mật và riêng tư trực tuyến.
    • Hãy đảm bảo trẻ hiểu thông tin cá nhân nào được và không được phép chia sẻ trên mạng và lý do tại sao.
    • Giúp trẻ phân biệt giữa tương tác tích cực và tương tác có thể xảy ra vấn đề hoặc nguy hiểm. Cho trẻ biết rằng nếu có bất kỳ ai khiến trẻ cảm thấy không thoải mái vì bất kỳ lý do gì, trẻ có thể tìm đến bạn để nhờ giúp đỡ.

    Nói chuyện với trẻ nhỏ về hành vi gạ gẫm:

    • Gọi tên chính xác các bộ phận trên cơ thể đồng thời giải thích bộ phận nào là riêng tư và lý do tại sao.
    • Khuyên ngăn mọi hành vi giao tiếp với người lớn lạ mặt.
    • Nói về sự khác biệt giữa những bí mật bình thường, chẳng hạn như không nói với ai đó về một bữa tiệc bất ngờ, với những bí mật xấu, chẳng hạn như không nói với người lớn đáng tin cậy khi trẻ thấy sợ hãi hay bị đe dọa.

    Nói chuyện với trẻ lớn hơn hoặc vị thành niên về hành vi gạ gẫm:

    • Luyện tập cho trẻ trò chuyện với bạn về những điều khó nói. Khen ngợi trẻ khi trẻ nói với bạn và cho trẻ biết là bạn sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ.
    • Hiểu rằng mỗi trẻ sẽ có mức độ dễ tổn thương khác nhau.

    Nói chuyện với thanh thiếu niên về hành vi gạ gẫm:

    • Nói chuyện thẳng thắn về hành vi gạ gẫm theo cách không gây sợ hãi.
    • Nhắc trẻ rằng không phải ai cũng là người như họ thể hiện hoặc có ý tốt.
    • Hiểu rằng trẻ ở lứa tuổi thanh thiếu niên có thể đang quan tâm khám phá về tình dục, nhưng hãy cho trẻ biết rằng trẻ có thể đến tìm bạn nếu gặp bất kỳ mối đe dọa nào.
    • Nhắc nhở rằng trẻ có quyền bỏ qua, báo cáo và chặn bất kỳ ai khiến trẻ cảm thấy không thoải mái.
    • Giải thích rằng tất cả các nội dung trẻ chia sẻ trực tuyến đều có thể bị sao chép và chia sẻ lại với người khác, dù vô tình hay cố ý.

    Hãy nhớ: Bạn là người hiểu con mình nhất. Cách bạn giải quyết những chủ đề khó nói phụ thuộc vào lứa tuổi, độ trưởng thành của trẻ cùng nhiều yếu tố khác, bao gồm cả mức độ dễ tổn thương và trạng thái cảm xúc của trẻ.

    Trẻ có thể ngại nói chuyện về các mối quan hệ trên mạng và không biết rằng mình đang bị gạ gẫm. Hãy trấn an trẻ rằng nếu gặp phải kẻ gạ gẫm thì đó không phải lỗi của trẻ.

Đối phó với bạo lực mạng

Cách xác định hành vi bạo lực mạng và giúp đỡ trẻ nhỏ hay thanh thiếu niên.

Bạo lực mạng là hành vi bắt nạt xảy ra trên những thiết bị kỹ thuật số như điện thoại, máy tính và máy tính bảng. Hành vi này có thể xảy ra qua tin nhắn, ứng dụng nhắn tin, chat, email, các game trực tuyến, mạng xã hội, kênh phát trực tuyến, ảnh và video. Hành vi bắt nạt thường được định nghĩa là bạo hành bằng lời nói hoặc thể chất mang tính hung hăng và lặp đi lặp lại khi có sự mất cân bằng về quyền lực. Tuy nhiên, bất kỳ hình thức quấy rối nào, bao gồm cả lăng mạ, đe dọa, mạo danh, lan truyền tin đồn và tẩy chay, đều có thể gây ra tác động tiêu cực tương tự. Hình ảnh chứa nội dung khỏa thân có thể được sử dụng làm công cụ bắt nạt. Bạo lực mạng thường xảy ra bên cạnh hành vi bạo lực thân thể tại trường học hoặc trong cộng đồng.

Việc trẻ bị bạo lực mạng không phải lúc nào cũng rõ ràng và trẻ có thể không nói với bạn. Mặc dù đây có thể không hẳn là dấu hiệu của hành vi bạo lực mạng, những hãy để ý kỹ nếu trẻ bị khó ngủ; không muốn đến trường; cảm thấy bản thân mất giá trị; hoặc có thay đổi trong thói quen lên mạng, chẳng hạn như liên tục kiểm tra tài khoản mạng xã hội hay tránh sử dụng thiết bị của mình khi có mặt bạn.

Bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể bị bạo lực mạng, nhưng một số em dễ tổn thương hơn những em khác, ví dụ thành viên của nhóm yếu thế như dân tộc thiểu số hoặc tôn giáo, trẻ khuyết tật, thanh thiếu niên LGBTQ+ hoặc bất kỳ trẻ nào có ngoại hình hoặc hành động khác biệt.

Việc trò chuyện thường xuyên, ngắn gọn với trẻ về trải nghiệm khi trẻ lên mạng có thể giúp nuôi dưỡng mối quan hệ giữa bạn và trẻ, giúp trẻ dễ tìm đến bạn hơn nếu trẻ gặp phải hành vi bạo lực mạng. Bạn cần cho trẻ hiểu rằng điều đó xảy ra không phải lỗi của trẻ và sẽ có nhiều người có thể giúp đỡ trẻ.

    • Hãy bình tĩnh, đừng phản ứng thái quá và đừng trách mắng trẻ. Việc bạn thu lại thiết bị của trẻ thường không giúp ích gì.
    • Hãy bắt đầu bằng cách lắng nghe. Hãy tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra và điều đó khiến trẻ cảm thấy như thế nào. Hãy thông cảm và sẵn sàng hỗ trợ.
    • Nếu có người gửi ảnh hoặc nội dung không phù hợp khiến trẻ cảm thấy không thoải mái, bạn có thể khuyên trẻ không phản hồi.
    • Hãy khuyến khích trẻ dùng những công cụ như tính năng chặn hoặc tắt thông báo về tài khoản và báo cáo nội dung đó đến nền tảng mà sự việc xảy ra.
    • Thảo luận về các biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực mạng và nghĩ về cách giúp trẻ chữa lành cũng như kiên cường hơn.
    • Để con bạn tham gia vào các cuộc thảo luận và kế hoạch giải quyết. Hành vi bạo lực mạng thường dẫn đến mất kiểm soát trong tình huống xã hội. Việc để trẻ tham gia thảo luận và giải quyết sẽ giúp trẻ vượt qua điều đó.
    • Nếu có hoài nghi, hãy tìm sự trợ giúp từ cố vấn học đường, giáo viên hoặc các chuyên gia khác.
    • Đôi khi cha mẹ có thể khiến mọi chuyện tồi tệ hơn bằng cách phản ứng công khai. Cần phải suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra mọi phản ứng.
    • Nếu người bạo lực mạng trẻ cũng là một đứa trẻ, hãy làm việc với cha mẹ cũng như ban giám hiệu để xử lý hành vi của đứa trẻ đó.
  • Hãy coi đây là vấn đề nghiêm trọng. Hành vi bạo lực mạng có thể cho thấy rằng trẻ đang cảm thấy phiền muộn và có thể dẫn đến những vấn đề thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Trước khi đưa ra hình phạt cho hành vi đó, hãy tìm hiểu lý do trẻ cư xử xấu tính hoặc hành động hung hăng.

    Có nhiều nguyên nhân sâu xa khác nhau, nhưng có thể bao gồm:

    • Cố gắng hòa nhập với nhóm bạn cùng trang lứa đang có hành vi bạo lực mạng.
    • Đang cảm thấy lo lắng, tức giận, trầm cảm, khó kiểm soát, thất vọng hoặc căng thẳng.
    • Bản thân bị bạo lực mạng.
    • Cảm thấy có nhu cầu phải kiểm soát.
    • Mong muốn được người khác chú ý.
    • Không hiểu đầy đủ về tác động tiêu cực của hành vi bạo lực mạng.

    Nếu trẻ đang có hành vi bạo lực mạng với người khác, cha mẹ và những người lớn đáng tin cậy khác có thể:

    • Tìm hiểu điều đang xảy ra với trẻ để cố gắng xác định lý do diễn ra hành vi bạo lực mạng. Xem xét trạng thái cảm xúc của trẻ, nhóm bạn bè và các yếu tố khác.
    • Nói chuyện với trẻ và giải thích rằng hành vi bắt nạt trên mạng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến người khác và bản thân trẻ như thế nào, cũng như lý do tại sao hành vi này không phù hợp. Hãy cho trẻ biết về tầm quan trọng của lòng nhân ái và sự đồng cảm cũng như tác động tích cực của hành động này lên người khác.
    • Hãy cân nhắc nói chuyện với cố vấn học đường hoặc chuyên gia khác để được tư vấn và lên chiến lược xử lý.
    • Hãy cho trẻ biết về những hậu quả của hành vi bạo lực mạng.
    • Hãy nghĩ về những cách mà trẻ có thể bù đắp cho người bị trẻ làm tổn thương.

Nhận hỗ trợ tâm lý và tình cảm

Bạn cần liên hệ ngay với chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp? Đường Dây Nóng Bảo Vệ Trẻ Em Việt Nam là tổng đài quốc gia hoạt động 24/7 và luôn sẵn sàng hỗ trợ tất cả mọi người.

Truy cập Đường Dây Nóng Bảo Vệ Trẻ Em Việt Nam để tìm hiểu thêm

Báo cáo

Đường Dây Nóng Bảo Vệ Trẻ Em Việt Nam là tổng đài quốc gia hoạt động 24/7 và luôn sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ ai muốn báo cáo nội dung độc hại trên Internet.

Truy cập Đường Dây Nóng Bảo Vệ Trẻ Em Việt Nam để tìm hiểu thêm