Những Câu Hỏi Khác Thêm câu trả lời cho các thắc mắc
về Apple

và môi trường.

1. Ai dẫn dắt các nỗ lực bảo vệ môi trường tại Apple?

Lisa P. Jackson hiện là Phó Chủ Tịch phụ trách Sáng Kiến Môi Trường, Chính Sách Và ​​Xã Hội của Apple, báo cáo cho Giám Đốc Điều Hành Tim Cook. Văn Phòng Sáng Kiến ​​Môi Trường, Chính Sách Và ​​Xã Hội hợp tác với các bộ phận trong tập đoàn Apple để thiết lập chiến lược, thu hút sự tham gia của các bên liên quan, đo lường và thông báo tiến độ thực hiện các cam kết của Apple trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, phát triển vật liệu xanh cho các sản phẩm an toàn hơn và tối đa hóa hiệu quả sử dụng vật liệu.

Hội Đồng Quản Trị của Apple giám sát công việc hàng ngày của Giám Đốc Điều Hành và các quản lý cấp cao khác để đảm bảo rằng Apple được điều hành thích đáng và phù hợp với đạo đức, đồng thời đáp ứng được lợi ích lâu dài của các cổ đông. Với cách tiếp cận tích hợp của chúng tôi, quyết định về các vấn đề môi trường và xã hội được xem xét ở cấp cao nhất của công ty. Các thành viên của Ban Điều Hành thường xuyên xem xét từng sản phẩm mới trong quá trình phát triển, tập trung vào các lựa chọn vật liệu và thiết kế, chuỗi cung ứng, bao bì và hiệu quả tiết kiệm năng lượng của sản phẩm.

2. Apple lên kế hoạch đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030 như thế nào?

Là một công ty toàn cầu quy mô lớn, Apple tin rằng chúng tôi có trách nhiệm triển khai những bước tiến mạnh mẽ, quyết đoán và toàn diện để giảm thiểu những tác động của con người với khí hậu. Chúng tôi cam kết đưa lượng phát thải ròng về mức 0 vào năm 2030 trên toàn bộ dấu chân carbon của Apple, bao gồm tất cả các sản phẩm chúng tôi, tương đương giảm 75% lượng phát thải so với năm 2015. Chúng tôi đang cắt giảm phần lớn lượng phát thải thông qua những cải tiến về nguyên vật liệu, năng lượng sạch và vận chuyển phát thải carbon thấp. Và chúng tôi đang đầu tư vào các dự án dựa vào thiên nhiên để bù đắp cho lượng phát thải nhỏ còn lại. Mục tiêu 2030 của chúng tôi cấp tiến hơn so với khuyến nghị của Ủy Ban Liên Chính Phủ (IPCC) Về Biến Đổi Khí Hậu nhằm đạt trạng thái trung hòa carbon toàn cầu trong 20 năm tới. Chúng tôi đang tích cực tiến tới mục tiêu thông qua cắt giảm hơn 55% lượng phát thải trên toàn bộ dấu chân carbon của mình kể từ năm 2015.

3. Apple tiến hành Đánh Giá Về Khí Thải Nhà Kính Trong Vòng Đời Sản Phẩm như thế nào?

Khi tiến hành đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA), chúng tôi tính toán lượng phát thải carbon bằng cách sử dụng các chỉ số tiềm năng nóng lên toàn cầu (GWP) trong vòng 100 năm từ Báo Cáo Đánh Giá Lần Thứ Sáu Của IPCC, 2023 (AR6) GWP100, kể cả carbon sinh học. Phần tiếp sau đây trình bày chi tiết năm bước chúng tôi áp dụng để tiến hành quy trình LCA:

  1. Để mô hình hóa giai đoạn sản xuất, chúng tôi sử dụng các chỉ số đo lường của từng bộ phận trong toàn bộ sản phẩm và dữ liệu về quá trình sản xuất các bộ phận đó. Trong một số trường hợp khi chưa có sẵn dữ liệu từng bộ phận, chúng tôi cũng sẽ sử dụng dữ liệu ở cấp độ thiết kế để xác định số liệu kích thước và trọng lượng. Các chỉ số đo lường giúp chúng tôi xác định chính xác kích thước và trọng lượng của các thành phần và vật liệu trong sản phẩm, còn dữ liệu và hao hụt năng suất trong quy trình sản xuất cho phép chúng tôi tính toán tác động của quá trình sản xuất. Phương thức đánh giá LCA bao gồm các phụ kiện và bao bì, cũng như lượng khí thải giảm đi thông qua Chương Trình Năng Lượng Sạch Cho Nhà Cung Cấp của Apple. Khi tính toán dấu chân carbon toàn diện của Apple, chúng tôi cũng tính cả những thiết bị được sửa chữa và thay thế thông qua gói AppleCare.

  2. Để mô hình hóa quá trình sử dụng của khách hàng, chúng tôi đo lường mức tiêu thụ năng lượng của sản phẩm khi vận hành trong các tình huống mô phỏng. Mỗi sản phẩm có mô hình sử dụng hàng ngày cụ thể, mô hình này là sự kết hợp giữa dữ liệu sử dụng thực tế và dữ liệu sử dụng được mô hình hóa của khách hàng. Để phục vụ mục đích đánh giá, số năm sử dụng, tính toán dựa trên những người sở hữu đầu tiên, được mô hình hóa như sau: bốn năm với thiết bị macOS và tvOS; ba năm với thiết bị iOS, iPadOS và watchOS. Hầu hết các sản phẩm của Apple có tuổi thọ lâu hơn và thường được chủ sở hữu đầu tiên chuyển nhượng, bán lại hoặc trả lại cho Apple để người khác sử dụng. Bạn có thể xem thông tin về cách các sản phẩm của chúng tôi sử dụng năng lượng trong Báo Cáo Môi Trường Về Sản Phẩm.

  3. Để mô hình hóa hoạt động vận chuyển, chúng tôi sử dụng dữ liệu thu thập về việc vận chuyển các lô sản phẩm đơn lẻ và các lô hàng gồm nhiều sản phẩm bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không. Chúng tôi tính toán hoạt động vận chuyển vật liệu giữa các địa điểm sản xuất; vận chuyển sản phẩm từ địa điểm sản xuất đến đầu mối phân phối trong khu vực; vận chuyển sản phẩm từ đầu mối phân phối trong khu vực đến khách hàng cá nhân; và vận chuyển sản phẩm từ khách hàng cuối cùng đến cơ sở tái chế.

  4. Để mô hình hóa quá trình xử lý khi kết thúc vòng đời của sản phẩm, chúng tôi sử dụng dữ liệu thành phần vật liệu của sản phẩm và ước tính tỷ lệ sản phẩm được đưa đi tái chế hoặc thải bỏ. Đối với các sản phẩm được gửi đi tái chế, chúng tôi ghi nhận quá trình xử lý ban đầu của đơn vị tái chế để chuẩn bị sản phẩm cho quá trình thu hồi các dòng vật liệu điện tử, kim loại, nhựa và thủy tinh. Các quy trình tái chế tiếp theo không được đưa vào đánh giá vì những quy trình này được coi là các giai đoạn sản xuất chứ không phải quá trình xử lý khi kết thúc vòng đời của sản phẩm. Đối với những sản phẩm được đưa đi xử lý, chúng tôi ghi nhận lượng khí thải liên quan đến việc chôn lấp hoặc đốt từng loại vật liệu.

  5. Sau khi thu thập dữ liệu về quá trình sản xuất, sử dụng, vận chuyển và xử lý khi kết thúc vòng đời của sản phẩm, chúng tôi kết hợp dữ liệu đó với dữ liệu phát thải chi tiết về khí thải nhà kính. Dữ liệu phát thải này dựa trên sự kết hợp giữa bộ dữ liệu dành riêng cho Apple và trung bình của ngành, bao gồm sản xuất vật liệu, quy trình sản xuất, phát điện và vận chuyển. Năng lượng tái tạo dùng trong chuỗi cung ứng do các nhà cung cấp triển khai một cách độc lập hoặc thông qua Chương Trình Năng Lượng Sạch Cho Nhà Cung Cấp Của Apple cũng được đưa vào mô hình LCA. Chúng tôi tổng hợp kết quả chi tiết về khí thải nhà kính bằng cách kết hợp thông tin cụ thể cho từng sản phẩm với dữ liệu phát thải trong mô hình LCA do dữ liệu có liên quan đến từng sản phẩm. Dữ liệu và phương pháp mô hình hóa đã được Viện Fraunhofer ở Đức kiểm tra về chất lượng và độ chính xác.

Trong việc mô hình hóa khí thải carbon vẫn tồn tại yếu tố không chắc chắn cố hữu, chủ yếu do hạn chế về dữ liệu. Đối với những thành phần đóng góp nhiều nhất vào lượng khí thải carbon của Apple, Apple khắc phục tình trạng không chắc chắn này bằng cách phát triển các mô hình môi trường dựa trên quy trình chi tiết với các thông số dành riêng cho Apple. Các yếu tố còn lại trong dấu chân carbon của Apple được chúng tôi căn cứ vào các giả định và dữ liệu trung bình của ngành.

4. Apple có báo cáo dữ liệu môi trường cụ thể cho từng quốc gia không?

Có. Chúng tôi phân tích lượng khí thải trong phạm vi 1 và 2, mức tiêu thụ khí tự nhiên cũng như mức tiêu thụ điện cho một số khu vực địa lý trong Báo Cáo Tiến Trình Về Môi Trường năm 2024 (PDF). Báo cáo cũng cung cấp thêm thông tin về mức tiêu thụ năng lượng tại các trung tâm dữ liệu của chúng tôi.

5. Apple có Chính Sách An Toàn Và Sức Khỏe Môi Trường không?

Có. Apple cam kết bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe và sự an toàn của nhân viên, khách hàng và cộng đồng tại những quốc gia mà chúng tôi hoạt động. Để biết thêm thông tin, hãy đọc Tuyên Bố Về Chính Sách An Toàn Và Sức Khỏe Môi Trường (PDF) của chúng tôi.

6. Apple có hạn chế những chất gây hại cho sức khỏe của con người và môi trường không?

Có. Thông Số Kỹ Thuật Của Các Chất Được Kiểm Soát của Apple nêu chi tiết một loạt các chất bị hạn chế hoặc bị cấm sử dụng trong các sản phẩm, bao bì và hoạt động sản xuất của Apple. Tất cả các sản phẩm của Apple đều tuân theo Chỉ Thị Của Châu Âu Về Hạn Chế Các Chất Nguy Hiểm (RoHS), bao gồm hạn chế về sử dụng chì và các chất khác. Apple xác định một vật liệu là phù hợp với Chỉ Thị 2011/65/EU của Liên Minh Châu Âu và các sửa đổi của chỉ thị này (bao gồm cả các trường hợp miễn trừ việc sử dụng chì) là vật liệu phù hợp với tiêu chuẩn RoHS. Apple đang tìm cách loại bỏ việc sử dụng các chất được miễn trừ này khi khả thi về mặt kỹ thuật. Do cách tiếp cận của chúng tôi đối với các chất, nhiều hạn chế của Apple còn vượt xa cả các yêu cầu quy định. Xem Thông Số Kỹ Thuật Của Các Chất Được Kiểm Soát (PDF) của Apple để tìm hiểu thêm về những nỗ lực của chúng tôi nhằm giảm và loại bỏ các chất độc hại.

7. Apple có hạn chế chất chống cháy brom hóa (BFR) và polyvinyl clorua (PVC) khỏi các sản phẩm của mình không?

Có. Apple định nghĩa một vật liệu được coi là không có BFR và không có PVC nếu không có ý định sử dụng hoặc vật liệu đó chứa dưới 900 phần triệu (ppm) brom và clo. Apple đã dẫn đầu ngành trong việc loại bỏ BFR và PVC và giới hạn 900 ppm này hiện là tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp điện tử. Nếu có BFR hoặc PVC, nồng độ brom hoặc clo phải cao hơn hẳn so với mức 900 ppm mới có thể gây tác động.

Apple loại bỏ BFR và PVC trong thiết kế của tất cả các sản phẩm mới được sản xuất từ ​​năm 2009, tất cả các sản phẩm Beats được sản xuất từ ​​năm 2016 và các Thiết Bị Theo Dõi Giấc Ngủ Beddit được sản xuất từ ​​cuối năm 2018. Mặc dù phần lớn các sản phẩm và linh kiện Apple nằm trong quá trình loại bỏ này, thiết kế của một số sản phẩm cũ hơn của Apple có thể vẫn chưa loại bỏ hoàn toàn BFR và PVC. Tuy vậy, những sản phẩm này và cả các bộ phận và phụ kiện thay thế của chúng vẫn được thiết kế để đáp ứng các yêu cầu theo quy định.

Dây điện ở Thái Lan, Ấn Độ và Hàn Quốc chứa PVC do yêu cầu cụ thể của từng quốc gia. Chúng tôi vẫn đang xin phê duyệt để thay thế PVC.

8. Apple có sử dụng PFAS trong sản phẩm không?

Tại Apple, chúng tôi có truyền thống đi đầu trong việc loại bỏ các chất có khả năng gây hại. Là một phần của nỗ lực này, chúng tôi lên kế hoạch kêu gọi tất cả đối tác trong chuỗi cung ứng của mình hạn chế sử dụng nhóm chất Perfluoroalkyl và Polyfluoroalkyl (PFAS) trong sản phẩm và quy trình sản xuất của chúng tôi, đồng thời phát triển các giải pháp thay thế an toàn hơn để không chỉ duy trì mà còn nâng cao hiệu năng của sản phẩm Apple. Để biết thêm thông tin về mục tiêu dài hạn của Apple hướng đến thiết kế sản phẩm thân thiện hơn với môi trường và tốt hơn cho con người, vui lòng xem cam kết của chúng tôi về lộ trình loại bỏ nhóm chất Perfluoroalkyl và Polyfluoroalkyl (PFAS) (PDF).

9. REACH là gì và Apple tuân thủ quy định REACH như thế nào?

Quy Định Đăng Ký, Đánh Giá, Cấp Phép Và Hạn Chế Hóa Chất EC 1907/2006 thường được gọi là REACH. REACH là quy định của Châu Âu về hóa chất và cách sử dụng hóa chất an toàn. Thông qua việc công bố danh sách các chất chờ được cấp phép, Cơ Quan Hóa Chất Châu Âu xác định những nhóm chất có nguy cơ cao (SVHC) mà nhà sản xuất phải công bố cho khách hàng nếu những chất này được sử dụng trên 0,1% trọng lượng sản phẩm của họ.

Dựa trên phiên bản hiện tại của danh sách chờ được cấp phép, bạn có thể tìm thấy các sản phẩm của Apple có chứa SVHC trên ngưỡng công bố trong Bản Công Bố SVHC Của REACH (PDF).

Các chất SVHC được sử dụng trong các sản phẩm này không gây rủi ro về an toàn cho khách hàng trong điều kiện sử dụng bình thường.

10. Apple có sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozon không?

Không có hóa chất làm suy giảm tầng ozon (ODC) nào được sử dụng trong toàn bộ quy trình sản xuất các thành phần và vật liệu của sản phẩm, hoặc vật liệu đóng gói sản phẩm mà Apple sử dụng, theo quy định của Nghị Định Thư Montreal Về Các Chất Làm Suy Giảm Tầng Ozon.

11. Apple đang làm gì để giúp thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn?

Một thiết bị lâu bền là thiết bị thân thiện với môi trường. Khi sản phẩm dùng được lâu hơn thì lượng tài nguyên cần khai thác từ trái đất để sản xuất sản phẩm mới sẽ giảm đi. Apple vẫn đang tập trung tạo ra các sản phẩm tốt và bền nhất song hành cùng dịch vụ sửa chữa chuyên nghiệp, đảm bảo rằng các sản phẩm của chúng tôi sẽ được sử dụng trong một thời gian rất dài. Khi khách hàng không sử dụng thiết bị của chúng tôi nữa, họ có thể dễ dàng trả lại những thiết bị này qua chương trình Apple Trade In để thiết bị được chuyển cho người dùng khác hoặc được tái chế một cách có trách nhiệm.

Vào năm 2017, Apple đã công khai cam kết hướng đến thời điểm chỉ sản xuất các sản phẩm từ vật liệu được tái chế và vật liệu có thể tái tạo. Và mỗi khi có thể, chúng tôi sẽ đóng góp vật liệu trở lại thị trường để Apple hoặc những cá nhân/tổ chức khác sử dụng. Với những tiến bộ như những robot tháo lắp của chúng tôi, Daisy và Dave, chúng tôi có thể thu hồi nhiều vật liệu hơn với chất lượng cao hơn so với quy trình tái chế truyền thống.

Chúng tôi có các sáng kiến ​​để đảm bảo rằng vật liệu chúng tôi sử dụng trong các sản phẩm có nguồn gốc đáng tin cậy, thông qua những tiêu chuẩn và chương trình nghiêm ngặt giúp thúc đẩy sự thay đổi tích cực. Chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện cam kết đó, nhưng chúng tôi cũng đang thử thách bản thân để tạo ra tất cả các sản phẩm mà không cần khai thác các nguồn tài nguyên hữu hạn từ trái đất. Đó là một mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi nhiều năm hợp tác giữa các đội ngũ của Apple, các nhà cung cấp và các đơn vị tái chế. Nhưng chúng tôi đã bắt tay vào hành động.

Để biết thêm thông tin về tiến độ trước mắt của chúng tôi, vui lòng đọc Báo Cáo Tiến Trình Về Môi Trường năm 2024 (PDF).

12. Có phải Apple đang giảm sử dụng nhựa?

Apple cam kết loại bỏ nhựa trong bao bì vào năm 2025, đồng thời chuyển sang sử dụng thành phần nhựa tái chế và có thể tái tạo trong sản phẩm.

Chúng tôi đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc loại bỏ nhựa trong bao bì của mình. Hơn 97% bao bì của chúng tôi được làm từ sợi. Kể từ năm 2017, 100% sợi gỗ nguyên sinh trong bao bì của chúng tôi đều được lấy từ các nguồn có trách nhiệm.

Bắt đầu từ năm tài chính 2022, Apple đã mở rộng ranh giới mục tiêu cho bao bì đóng gói nhằm thể hiện chính xác hơn tác động của chúng tôi, kết quả là mức tăng khoảng 36% trong tổng khối lượng bao bì, như đã được thông tin trong Báo Cáo Tiến Trình Về Môi Trường năm 2023 của Apple. Chúng tôi hiện đang tính cả túi mua sắm, toàn bộ hộp thành phẩm (bao gồm cả thành phần nhựa trong nhãn và tài liệu trong hộp), bao bì được gửi tới khách hàng như một phần của chương trình Apple Trade In, bao bì AppleCare cho toàn bộ thiết bị và mô-đun dịch vụ (ngoại trừ linh kiện nhựa cần thiết để bảo vệ mặt hàng khỏi hiện tượng phóng tĩnh điện), và bao bì thứ cấp của sản phẩm Apple và phụ kiện do Apple bán ra. Ranh giới mục tiêu của Apple không bao gồm mực in, lớp phủ hoặc keo dán được dùng trong bao bì của chúng tôi. Ngoài bao bì đóng gói sản phẩm, Apple cũng tính toán lượng sợi được dùng tại các cơ sở thuộc công ty chúng tôi. Trong năm tài chính 2023, con số này là 1100 tấn.

13. Tôi có thể tìm bảng thông tin sản phẩm về đặc tính và chất lượng môi trường theo quy định của AGEC ở đâu?

Bảng thông tin sản phẩm về đặc tính và chất lượng môi trường là một quy định bắt buộc ở Pháp, theo Điều 13 của Luật Kinh Tế Tuần Hoàn (AGEC). Apple đã công bố thông tin này cho sản phẩm của mình trên trang web Bảng thông tin sản phẩm về đặc tính và chất lượng môi trường.

14. Làm cách nào để tận dụng tối đa pin trong thiết bị Apple?

Bạn có thể tìm hiểu thêm về cách sạc pin và tối đa hóa hiệu suất pin bằng cách truy cập trang web apple.com/vn/batteries/maximizing-performance.

15. Tôi nên thay pin cho thiết bị Apple khi nào và như thế nào?

Bạn có thể tìm hiểu thêm về cách bảo dưỡng và tái chế pin bằng cách truy cập trang web apple.com/vn/batteries/service-and-recycling.

16. Apple có cung cấp dịch vụ sửa chữa sản phẩm?

Chúng tôi thiết kế các sản phẩm bền chắc và có thể sử dụng lâu dài, đồng thời giảm thiểu nhu cầu sửa chữa. Tuy vậy, chúng tôi tin rằng khi có nhu cầu sửa chữa, khách hàng cần được dễ dàng tiếp cận các dịch vụ sửa chữa tiện lợi, chất lượng cao. Phương án sửa chữa gồm có các cửa hàng Apple Store, Nhà Cung Cấp Dịch Vụ Ủy Quyền của Apple, Trung Tâm Liên Lạc và bảo dưỡng tại chỗ. Trong ba năm qua, chúng tôi đã mở rộng hệ thống dịch vụ sửa chữa, tăng gần gấp đôi số địa điểm bảo dưỡng chuyên nghiệp, mang lại khả năng tiếp cận linh kiện, công cụ và chương trình đào tạo chính hãng của Apple. Chúng tôi cũng tiếp tục mở rộng phạm vi bảo hành thông qua cung cấp dịch vụ sửa chữa tại nhà và văn phòng của khách hàng tại một số thành phố trên khắp nước Mỹ.

Từ năm 2019, chương trình Nhà Cung Cấp Dịch Vụ Sửa Chữa Độc Lập của chúng tôi đã hỗ trợ hơn 4000 doanh nghiệp sửa chữa độc lập ở mọi quy mô được quyền tiếp cận những linh kiện, công cụ, thông tin chẩn đoán và chương trình đào tạo chính hãng của Apple. Các Nhà Cung Cấp Dịch Vụ Sửa Chữa Độc Lập, cùng với mạng lưới toàn cầu gồm hơn 5000 Nhà Cung Cấp Dịch Vụ Được Ủy Quyền Của Apple, tạo nên đội ngũ gồm hơn 100.000 kỹ thuật viên bảo dưỡng, sẵn sàng hỗ trợ khách hàng có nhu cầu sửa chữa.

Trong năm 2022, chúng tôi đã ra mắt Dịch Vụ Tự Sửa Chữa, cung cấp kiến thức và kinh nghiệm cho các cá nhân tự sửa chữa các thiết bị điện tử, quyền truy cập tài liệu hướng dẫn sửa chữa cũng như linh kiện và công cụ chính hãng của Apple thông qua Cửa Hàng Dịch Vụ Tự Sửa Chữa Của Apple. Dịch Vụ Tự Sửa Chữa áp dụng ở Hoa Kỳ và Châu Âu (gồm Bỉ, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Vương Quốc Anh).

17. Apple có cung cấp dịch vụ tái chế không?

Có. Bạn có thể tái chế trực tuyến bất kỳ thiết bị nào của Apple. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng thiết bị được tái chế một cách có trách nhiệm hoặc có cơ hội được tái sử dụng. Bạn có thể truy cập trang Chương Trình Tái Sử Dụng Và Tái Chế Của Apple để biết thêm thông tin về các dịch vụ tái chế của chúng tôi.

18. Apple có đặt ra các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và quyền của người lao động trong chuỗi cung ứng không?

Bộ Quy Tắc Ứng Xử Cho Nhà Cung Cấp của Apple đặt ra những tiêu chuẩn cao mà các nhà cung cấp của chúng tôi phải đáp ứng về quyền lợi lao động và nhân quyền, đảm bảo sức khỏe cũng như sự an toàn của con người, bảo vệ môi trường, hệ thống quản lý và đạo đức. Chúng tôi yêu cầu tất cả các nhà cung cấp có hoạt động kinh doanh với Apple phải tuân thủ Quy Tắc Ứng Xử Cho Nhà Cung Cấp của chúng tôi và Các Tiêu Chuẩn Trách Nhiệm Của Nhà Cung Cấp liên quan. Chúng tôi tiến hành đánh giá nghiêm ngặt, xem xét hơn 500 tiêu chí để thực thi bộ quy tắc. Khi xác định được hành vi vi phạm quy tắc, chúng tôi yêu cầu nhà cung cấp hành động ngay lập tức, cũng như hợp tác với họ để giúp họ cải thiện hoạt động và đáp ứng các tiêu chuẩn của Apple. Để tìm hiểu thêm, mời truy cập trang web Đổi Mới Chuỗi Cung Ứng.

19. Apple có làm việc với các tổ chức phi chính phủ về môi trường hoặc các đối tác khác không?

Chúng tôi cộng tác rộng rãi với các tổ chức phi lợi nhuận, hiệp hội ngành, chính quyền và đối tác kinh doanh trên khắp thế giới. Chúng tôi hợp tác với các công ty hàng đầu khác trong tất cả các sáng kiến môi trường của mình với tư cách là thành viên của các tổ chức như Ceres và Hội Đồng Doanh Nghiệp Thế Giới Về Phát Triển Bền Vững (WBCSD). Chúng tôi hợp tác với các tổ chức như Hiệp Hội Kinh Tế Năng Lượng Tiên Tiến (AEE), RE100, Hiệp Hội Doanh Nghiệp Hàng Đầu Chống Biến Đổi Khí Hậu Nhật Bản (JCLP) và Liên Minh We Mean Business trong nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Là thành viên của Sáng Kiến Quản Lý Nhôm và Nền Tảng Thúc Đẩy Nền Kinh Tế Tuần Hoàn (PACE), chúng tôi được hỗ trợ từ các tổ chức này trong việc xây dựng chuỗi cung ứng vật liệu tuần hoàn. Chúng tôi cũng là thành viên của Mạng Lưới Sản Xuất Điện Tử Sạch (CEPN) của Green America và Hội Đồng Thương Mại Và Hóa Học Xanh (GC3). Để biết thêm thông tin về các mối quan hệ hợp tác của chúng tôi, vui lòng đọc Báo Cáo Tiến Trình Về Môi Trường năm 2024 (PDF).